Chăm con chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản với bất cứ gia đình nào. Nếu đối với những bé đang tuổi tập ăn, việc mẹ lo lắng là con kén ăn thì đối với những trẻ còn đang bú sữa, điều mẹ lo lắng chính là con bú ít, nhất là với trẻ sơ sinh.
Bài viết sau đây của Gia Đình Sữa sẽ chỉ ra nguyên nhân trẻ bú ít hơn bình thường và giải pháp cho vấn đề này:
Trẻ sơ sinh bú bao nhiêu là đủ?
Khi chăm con, các bố mẹ thường hay thắc mắc : ”Con bú bao nhiêu là đủ?”. Tuần đầu sau sinh có thể nói là giai đoạn tương đối vất vả cho mẹ. Bởi vì cơ thể mẹ sau lần “vượt cạn” đã khá là mệt mỏi. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải hết sức lưu ý việc cho con bú đều đặn. Một tuần tuy ngắn nhưng những thay đổi của cơ thể con lại rất đáng kể.
Thực ra, dạ dày của trẻ sơ sinh không phải vừa sinh ra đã có dung tích cố định. Khi mới đẻ, dạ dày của em bé rất nhỏ, sức chứa chỉ khoảng 5 – 7 ml. Ngay khi vừa sinh ra, bé có thể tỉnh táo trong giờ đầu. Đây là thời điểm vàng để cho con ăn, mẹ tuyệt đối đừng nên bỏ lỡ. Vì sau đó con sẽ chìm vào giấc ngủ sâu và tương đối dài. Con sẽ bú sữa non do cơ thể mẹ sản sinh ra. Sữa non là sữa có màu vàng, không lỏng mà đặc quánh. Sữa này chứa đầy đủ chất dinh dưỡng, có tác dụng to lớn trong việc bảo vệ con khỏi tác nhân gây hại, cũng là lý do mà con chỉ bú rất ít nhưng vẫn đủ chất. Tuy nhiên, do dạ dày tương đối nhỏ, mẹ cần phải lưu tâm cữ bú( lượt bú) để cho con không bị đói. Ngày đầu, mẹ nên cho con bú khoảng 8 – 12 lần.
Trong khoảng hai ngày tiếp theo, dạ dày con đã nhích lên đôi chút, có thể chứa tới khoảng 15 – 17ml sữa. Lúc này, cơ thể mẹ vẫn tiết ra sữa non để nuôi con. Tuy nhiên sữa non thời điểm này đã bớt đặc quánh, màu cũng không còn vàng. Mẹ có thể yên tâm rằng lượng sữa tuy ít nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của con. Cữ bú của con thời điểm này vẫn là 8 – 12 lần/ ngày.
Ba ngày sau sinh, sữa trắng của mẹ mới về hoàn toàn. Sữa không còn quánh lại, đồng nghĩa với việc chất dinh dưỡng trong sữa đã giảm hơn so với sữa non. Tương đương với điều đó là dạ dày con lớn chừng như quả óc chó, dung tích vào khoảng 22 – 27 ml. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng trong tuần đầu tiên này, cữ bú của các con nên duy trì ổn định khoảng 8-12 lần/ngày.
Những ngày sau, dạ dày của con cũng lớn dần. Mỗi lần con có thể nhận tới 30ml, rồi 35ml sữa hoặc có thể hơn, khoảng 37ml. Như vậy, con đã có thể bú tới khoảng 240ml- 400ml trong mỗi ngày này. Dù vậy, các mẹ vẫn phải lưu ý cữ bú của con trong ngày để có thể phân chia các bữa hợp lý cho con bú.
Khi con được khoảng 1 – 2 tháng tuổi, dạ dày đã có thể chứa tới 90 – 120 ml sữa mẹ. Bé đã có thể bú lượng sữa lớn hơn, do vậy, cữ bú cũng thưa dần. Mẹ chỉ cần cho con bú 4 – 5 lần/ ngày. Mẹ nên chú ý giờ giấc cho con ăn, để tránh tình trạng con bị đói và quấy khóc vào ban đêm.
Giai đoạn con từ 2 – 6 tháng, cữ bú vào khoảng 5 lần/ ngày. Con đã có thể tiếp nhận tới 120 – 180 ml/ lần bú. Trong sáu tháng đầu này, mẹ chỉ nên nuôi con bằng sữa mẹ, bởi sữa mẹ là sự bảo vệ tối ưu nhất cho con.
Từ khi con được 6 – 9 tháng tuổi, lượng sữa cần thiết cho một lần bú của con là 200 – 250 ml. Mỗi lần bú của con cách nhau khoảng chừng 4 tiếng đồng hồ. Khi vào ban đêm con ngủ ngon, không quấy khóc, mẹ có thể yên tâm rằng con không bị đói và đang trong trạng thái tốt nhất.
Sau 9 tháng là giai đoạn mẹ nên tập ăn dặm cho con. Do vậy, mẹ chỉ nên cho bé bú khoảng 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần 250ml. Ngoài ra, mẹ nên xen kẽ vào giờ ăn của con khoảng 1 – 2 bữa ăn dặm/ ngày. Những bữa ăn dặm đầu tiên bắt đầu bằng dạng lỏng và cô đặc lại dần theo thời gian.
Khi con được 1 năm tuổi, mẹ có thể cai sữa cho con. Thay vào đó, mẹ có thể tập cho con ăn bột và uống sữa công thức. Như vậy có thể đảm bảo con đủ dưỡng chất mà vẫn không bị đói.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường
Có thể nói, trong 6 – 9 tháng đầu, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất của con. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, con lại “không chịu hợp tác”, quấy khóc, bú ít hơn bình thường. Bé bú ít hơn bình thường bởi một số lí do sau đây:
- Con bị ốm sốt
Cũng giống như người trưởng thành, khi con bị ốm, cơ thể sẽ khá mệt mỏi, khó chịu. Tuy nhiên, con lại không thể thể hiện sự ốm đó bằng lời nói. Và cách duy nhất con nói cho bố mẹ biết chính là quấy khóc, bỏ ăn. Khi ốm, vị giác có chút thay đổi khiến con không cảm nhận được vị ngon của sữa. Thân nhiệt sốt cao càng làm cơ thể con bị rối loạn chuyển hóa. Do đó, bố mẹ nên đưa con đi khám để điều trị hợp lý, tránh tình trạng khiến con bỏ ăn lâu ngày, quấy khóc gây ra mệt lả. Ngoài ra, các thuốc hạ sốt khiến con ngủ nhiều hơn, giờ ăn thay đổi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mẹ hay thắc mắc: bé 2 tháng tuổi bú ít ngủ nhiều.
- Con bị khó tiêu
Khi không may cho con ăn phải một số đồ ăn gây khó tiêu cũng làm con bú ít hơn bình thường. Dạ dày con trẻ còn rất yếu ớt, hễ miễn dịch chưa hoàn toàn được hình thành, sức đề kháng kém. Một số thức ăn không hợp với cơ thể con khi vào trong dạ dày sẽ ở lại đấy lâu hơn, gây nên tình trạng chướng bụng. Điều này không chỉ gây khó chịu cho con, làm bé bú ít hơn bình thường mà còn làm hại sức khỏe của con.
- Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tai, tưa miệng, nhiệt miệng
Bé 3 tháng tuổi bú ít phần lớn là do các bệnh này gây ra. Đây là các bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Tai, mũi, họng là ba cơ quan nối liền với nhau. Các bệnh về tai cũng ảnh hưởng tương đối lớn tới đường tiêu hóa, mà đầu tiên chính là họng của trẻ. Khi bú sữa, họng rát khiến con thấy đau, không muốn bú nữa. Tình trạng này xảy đến làm cho con bị đói nhiều, do đó các bố mẹ nên chú ý sức khỏe của con
- Sữa mẹ không đủ
Ngoài các nguyên nhân do con thì một nguyên nhân lớn không thể không kể đến là do mẹ. Do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ hoặc do sinh thiếu tháng, tuyến sữa chưa hình thành đủ mà gây ra thiếu sữa ở mẹ. Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên ăn nhiều thịt nạc, rau xanh nhất ra rau lang, rau ngót, các loại trái cây,…
- Sữa mẹ làm con bị khó tiêu
Có thể nói rằng “mẹ ăn gì thì con ăn nấy”. Bời vì thực đơn bữa ăn của mẹ phần nhiều đi tạo sữa nuôi con. Do đó, khi mẹ ăn đồ cay nóng, cũng làm sữa mẹ bị nóng. Sữa này làm con khó đi ngoài, táo bón. Tích tụ lâu dần cũng khiến bé bú ít hơn bình thường. Mẹ cũng đặc biệt nên lưu ý một số chất mẹ hấp thụ không hợp với con, khiến cơ thể con bị dị ứng.
- Ảnh hưởng từ mẹ
Khi con bú, mẹ không nên nói to. Bởi vì tai con nằm áp sát vào người mẹ, nếu mẹ nói to có thể làm con giật mình, sợ hãi. Như vậy, con không dám bú nữa dù đang đói. Ngoài ra, việc mẹ không hứng thú cho con bú cũng làm con không chịu bú. Trẻ nhỏ thường ăn uống theo giờ giấc, mẹ mà lơ là cữ bú của con sẽ ảnh hưởng nhiều tới khẩu vị của con, khiến con bỏ bữa.
- Con lười bú bình
Từ 4 tháng tuổi, mẹ đã có thể tập cho con bú bằng núm ti giả. Tuy nhiên, việc chọn sai kích cỡ, loại núm ti hoặc con có thói quen ngậm ti giả khiến việc bú sữa của con bị sai lệch. Như vậy, mẹ cũng nên lưu tâm vì sao bé 4 tháng tuổi lười bú bình để có thể khắc phục.
Tóm lại, dù là do nguyên nhân nào thì các bố mẹ cũng lưu ý kỹ càng. Có vậy thì mới phát hiện và giải quyết kịp thời cho con.
Trẻ sơ sinh bú ít có làm sao không?
Trẻ sơ sinh bú ít là nguyên nhân chính dẫn tới cơ thể thiếu dưỡng chất, còi cọc. Nếu để tình trạng này lâu dài, con nhỏ có thể bị suy dinh dưỡng nhiều cấp độ. Điều này là điều không mong muốn của bất kỳ phụ huynh nào. Không chỉ thể, bé bú ít hơn bình thường còn làm bé bị đói thường xuyên, dẫn tới quấy khóc, hờn dỗi. Nếu con quấy khóc lâu dài, không chỉ khiến cho cơ thể con mệt mỏi, còn làm tăng nguy cơ viêm họng do rát họng. Hơn nữa, con quấy khóc cũng làm cho bố mẹ lo lắng, khá mệt mỏi trong việc tìm nguyên nhân và khắc phục.
Một điều lưu tâm nữa là khi bé bú ít hơn bình thường có thể là cảnh báo cho một loại bệnh nào đó. Nếu tình trạng kéo dài kết hợp với chỉ số cơ thể như cân nặng, nhiệt độ, nước da,… của con thay đổi, bố mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện để được kiểm tra ngay.
Tuy nhiên, lượng sữa con bú còn tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể con. Các bố mẹ cũng không cần quá lo lắng bé bú ít hơn bình thường nếu như cơ thể bévẫn khỏe mạnh, không có dấu hiệu gì khác. Đấy chỉ đơn thuần là do con đã bú đủ no và lượng sữa bú ở cữ trước vẫn còn trong dạ dày. Con sẽ bú tới khi no thì nhả núm vú hoặc khi mẹ hết sữa mà không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng sữa một lần bú. Do vậy, đừng nên ép con bú đủ nếu con đã thôi, sẽ gây ra việc con bị trớ, trào ngược dạ dày, có thể làm con bị sặc
Trẻ sơ sinh bú ít phải làm sao?
Tình trạng bú ít kéo dài, con mệt mỏi, cân nặng tụt,… thì bố mẹ cần phải thực hiện ngay những điều sau đây:
- Kiểm tra tình trạng sức khỏe của con bằng nhiệt kế
- Nếu có biểu hiện khác thường, đưa con ngay tơi phòng khám, bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời
- Kiểm tra phân, nước tiểu của con. Nếu đi ngoài khó khăn, mẹ cần thay đổi ngay thực đơn ăn uống
- Mẹ phải thường xuyên thay đổi tư thế bú của con, để con ở tư thế bú thoải mái nhất, tránh khó chịu
- Mẹ cũng cần hình thành thói quen bú sữa cho con. Nói cách khác là giờ giấc bú sữa cần chỉn chu, để con có đủ năng lượng và biết đòi bú khi đói.
- Mẹ cần bổ sung đủ dưỡng chất như vitamin, đạm, sắt,… để lượng sữa của mẹ dồi dào và có hương vị thích hợp cho con bú.
Trên đây là một số nguyên nhân và giải pháp cho việc trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường. Các phụ huynh đọc và tham khảo để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho con mình. Hy vọng các bố mẹ sẽ an tâm và hạnh phúc khi các con bú sữa đầy đủ, cơ thể khỏe mạnh lớn lên.
Để lại một bình luận