Viêm phổi ở trẻ sơ sinh có nhiều nguyên nhân gây nên đòi hỏi bố mẹ cần có những kiêng kị nhất định. Trong đó, tắm cho trẻ bị viêm phổi là vấn đề khiến nhiều người thắc mắc do lo sợ nó tăng nguy cơ mắc bệnh nặng hơn ở bé. Bài viết dưới đây của Gia Đình Sữa sẽ giúp các bậc phụ huynh giải đáp thắc mắc trẻ bị viêm phổi có được tắm không.
Bé bị viêm phổi có nên tắm không?
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là hiện tượng nhiễm vi khuẩn hoặc virus ở phổi gây mủ, viêm làm trẻ khó thở. Bệnh xuất hiện ở trẻ kèm theo các triệu chứng khiến bé khó chịu như:
- Sốt cao, lạnh.
- Mệt mỏi, uể oải, kém hoạt bát.
- Thở ngắn, khò khè, khó thở.
- Có thể có đờm trong họng, mũi.
- Ho nhiều. Đau ngực trong lúc ho và giữa các cơn ho.
- Dễ bị nôn trớ.
Không chỉ thế, trẻ bị viêm phổi còn nhạy cảm với nhiệt độ lạnh. Điều này khiến nhiều bố mẹ lo lắng rằng tắm cho trẻ làm con dễ bị nhiễm lạnh, theo đó viêm phổi trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn đúng. Theo các chuyên gia, khi tình trạng viêm phổi không quá nặng, tắm cho trẻ là cần thiết. Chúng giúp cơ thể bé sạch sẽ, ngăn ngừa các tác nhân gây hại có cơ hội xâm nhập. Xong, trẻ cần được tắm đúng cách, có như vậy mới đảm bảo bé không bị mắc bệnh nặng hơn.
Cách tắm cho trẻ bị viêm phổi an toàn
Tắm cho trẻ viêm phổi giúp cơ thể bé thông thoáng, đẩy lùi yếu tố cơ hội gây bệnh. Tuân thủ các nguyên tắc và hướng dẫn của chuyên gia dưới đây sẽ giúp bố mẹ tắm cho trẻ an toàn:
Nguyên tắc
- Tắm ở nơi kín gió.
- Không tắm quá lâu.
- Không tắm liên tục.
- Làm khô ngay sau khi tắm.
- Không tắm khi trẻ sốt cao.
Hướng dẫn thực hiện
Chuẩn bị:
- Nước tắm: pha khoảng 35 – 38 độ vừa hạn chế nhiễm lạnh, vừa mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn và giảm triệu chứng ho, chảy nước mũi, khò khè…
- Bố mẹ có thể tắm cho con bằng nước gừng để tăng hiệu quả giảm ho, khó thở. Pha nước gừng bằng cách: giã nát một củ gừng trong một bát nhỏ, thêm nước sôi để chừng khoảng 10 phút. Sau đó đổ bát nước gừng vào trong chậu nước và pha tới nhiệt độ thích hợp.
- Quần áo: nên là quần áo mềm mịn, thoáng mát.
- Khăn khô: dùng để lau người của trẻ sau khi tắm.
- Khăn ướt: Dùng kết hợp trong lúc tắm để làm sạch cơ thể trẻ.
- Bố mẹ hoặc người chăm sóc bé rửa tay sạch sẽ.
Tắm cho bé:
- Vệ sinh vùng kín cho bé trước khi đặt bé vào chậu nước ấm.
- Đặt con vào chậu nước, không để cơ thể con ngập trong nước mà cần phủ bằng khăn ấm và thay liên tục để duy trì nhiệt độ.
- Ngoài ra, người thực hiện có thể vớt nước liên tục lên người bé.
- Kết hợp giữa lau rửa và massage lưng, ngực cho bé để lưu thông tuần hoàn.
Sau khi tắm xong:
- Đặt con vào khăn khô đã chuẩn bị sẵn. Lau khô người cho bé ngay sau đó tránh để bé bị lạnh.
- Mặc quần áo mềm mại, thoáng mát cho trẻ.
- Có thể thoa chút tinh dầu tràm dưới gan lòng bàn chân, sau lưng và trước ngực để giữ ấm cho trẻ.
Một số lưu ý khi tắm cho trẻ viêm phổi
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ và hạn chế nhiễm lạnh, khi tắm, bố mẹ cần có những lưu ý nhất định. Cụ thể như sau:
- Không nên tắm vào thời điểm muộn trong ngày vì buổi tối nhiệt độ ngoài trời thường thấp hơn ban ngày 2 -3 độ. Đặc biệt vào mùa đông, nhiệt độ khá thấp có thể khiến trẻ dễ bị cảm lạnh.
- Không pha nước quá nóng vì có thể làm trẻ bị bỏng. Tuy nhiên, cũng không được pha nước quá lạnh. Việc này sẽ khiến trẻ bị co mạch bất ngờ khiến bệnh và triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng. Khi pha nước tắm, bố mẹ nên sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ của nước và căn chỉnh sao cho phù hợp với con của mình.
- Nên tắm cho bé cạnh lò sưởi để giữ ổn định nhiệt độ xung quanh. Lò sưởi cần được bật duy trì từ trước khi tắm tới sau khi trẻ tắm xong, mặc quần áo cẩn thận.
- Không tắm cho con quá 5 – 7 phút vì khi bị viêm phổi, cơ thể con yếu hơn bình thường, nguy cơ cảm lạnh cũng tăng cao hơn.
- Không để con trực tiếp quá lâu trong nước. Sức đề kháng của bé khi bị bệnh thường yếu, tiếp xúc trực tiếp với nước ít nhiều làm con dễ bị ốm.
- Không mặc quá nhiều quần áo dày cho bé sau khi tắm xong. Chúng sẽ khiến cơ thể trẻ khó thoát nhiệt, bí bách khó chịu. Đôi khi, quần áo quá dày và không thấm hút khiến trẻ ra nhiều mồ hôi và gây lạnh ngược trở lại cơ thể bé khiến bệnh trở nặng.
- Chỉ nên tắm cho con 2 – 3 ngày/ lần. Tắm thường xuyên cũng khiến bé dễ bị nhiễm lạnh khiến viêm phổi trở nặng.
- Cần kết hợp tắm với các chỉ dẫn chăm sóc, điều trị bé theo lời của chuyên gia, bác sĩ để bé mau khỏi bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho con, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu tâm và tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ. Hy vọng rằng các thông tin trong bài viết trên giúp ích cho việc chăm sóc con của các bố mẹ.
Để lại một bình luận