Trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột bao lâu thì khỏi? Lưu ý dành cho ba mẹ

Nhiễm khuẩn đường ruột là tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh ở trẻ nhỏ. Đây là nỗi băn khoăn và lo lắng của nhiều bậc phụ huynh, và các mẹ thường tự hỏi trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột bao lâu thì khỏi, liệu bệnh có thể tự khỏi không, không biết bệnh có tái phát nhiều lần không? Bài viết dưới đây của Gia Đình Sữa sẽ chia sẻ được phần nào nỗi lo cũng như giải đáp được phần nào nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Bé bị nhiễm khuẩn đường ruột bao lâu thì khỏi?

Nhiễm khuẩn đường ruột là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ  với các triệu chứng đặc trưng như: tiêu chảy dạng phân nhớt hoặc nước, sốt, nếu không điều trị trẻ sẽ sụt cân và thậm chí có thể dẫn tới suy dinh dưỡng. Bên cạnh các bệnh liên quan đến hệ hô hấp, nhiễm khuẩn đường ruột cũng gây nên tỷ lệ tử vong cao ở trẻ. Trong thời gian gần đây, số trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột có xu hướng tăng nhanh.

Trong giai đoạn đầu nhiễm khuẩn, trẻ chỉ có dấu hiệu tiêu chảy và sốt. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ thường tự mua thuốc về cho trẻ uống. Đến giai đoạn sốc tức xuất hiện triệu chứng sốt cao, xuất huyết dạ dày mới đưa trẻ đến bệnh viện. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Nguyên nhân nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo để biết được chính xác thời gian kéo dài của tình trạng này:

Do hệ miễn dịch còn kém

Như chúng ta đã biết, hệ miễn dịch là hệ thống phức tạp gồm mô, tế bào, protein… được biệt hóa để bảo vệ con người trước các tác nhân gây bệnh: virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… Hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa được hoàn thiện, nhất là trong hai năm đầu đời của trẻ, do vậy khả năng bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh còn thấp, bé bị nhiễm trùng đường tiêu hóa là tương đối cao. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của bé có thể bị suy giảm tạm thời như sau khi bị sởi hoặc kéo dài như bị AIDS, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột.

Ngoài ra, suy dinh dưỡng cũng là yếu tố làm ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của bé. Dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng quan trọng tới sức khỏe của bé, khi bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cơ bản và thiết yếu như: Kẽm, canxi, sắt… sẽ giảm sức đề kháng từ đó làm suy giảm hệ miễn dịch hơn.

Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện cũng là nguyên nhân khiến bé bị tái phát lại nhiều lần bệnh này dù mới khỏi cách đó không lâu khoảng 1-2 tuần. Thực tế, tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sẽ tự khỏi và thời gian khỏi trong bao lâu còn tùy thuộc vào hệ miễn dịch của bé và cách điều trị và chăm sóc bé của gia đình. Với những bé có hệ miễn dịch kém thì phải mất 5-6 ngày mới khỏi.

Do yếu tố môi trường

  • Tính chất mùa và địa lý: Ở mỗi vùng khác nhau với mỗi đặc điểm khí hậu khác nhau thì khả năng nhiễm trùng đường ruột của bé là khác nhau: Với vùng ôn đới: Nhiễm khuẩn do vi khuẩn xảy ra cao nhất vào mùa hè. Nhiễm khuẩn do virus xảy ra thường xảy ra cao nhất vào mùa đông. Hơi khác so với vùng ôn đới, với các nước nhiệt đới như Việt Nam, nhiễm trùng do vi khuẩn thường xảy ra cao nhất vào mùa mưa và nóng, còn nhiễm khuẩn do virus lại thường xảy ra vào mùa khô lạnh. Như vậy, mùa nào bé cũng có thể bị nhiễm khuẩn đường ruột, kể cả đông hay hè, thời gian khỏi bệnh của bé còn tùy thuộc vào bé nhiễm loại virus hay vi khuẩn gì. Ví dụ với vi khuẩn Campylobacter Jejuni thì bệnh thường diễn biến nhẹ, với ⅔ trường hợp khiến bé bị tiêu chảy cấp và ⅓ trường hợp gây hội chứng lỵ và sốt, bé thường sẽ tự khỏi bệnh sau 2-5 ngày.
  • Cho trẻ bú chai.
  • Chai và bình sữa là vật dụng hay gặp trong các gia đình có trẻ nhỏ, nếu không được vệ sinh thường xuyên, tiệt trùng sạch sẽ hoặc trẻ không ăn hết sữa thì vi khuẩn sẽ phát triển và gây nhiễm khuẩn đường ruột cho bé. Ngoài ra, khi pha sữa cho bé, các mẹ cần lưu ý cố gắng cho bé uống hết ngay nếu có thể, nếu không thì tránh để sữa quá 1h và pha đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Không rửa tay sau khi đi ngoài, dọn phân cho trẻ hoặc trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ.
  • Nước bị ô nhiễm, nhiễm bẩn do nguồn nước hoặc dụng cụ chứa nước.
  • Thức ăn của trẻ nấu đặc, để lâu ở nhiệt độ phòng gây bị lên men, ô nhiễm.
  • Không xử lý phân trẻ nhỏ một cách hợp vệ sinh, đặc biệt là phân trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột.

Các trường hợp bé bị nhiễm khuẩn đường ruột do các nguyên nhân trên, bé thường sẽ tự hết sau 3-5 ngày, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào hệ miễn dịch của bé và chế độ ăn các mẹ cung cấp cho bé hàng ngày.

Thời gian bé khỏi bệnh bên trên chỉ là con số ước tính chung, còn thời gian thực tế so với từng bé là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Cách chăm sóc của cha mẹ, hệ miễn dịch của bé, môi trường xung quanh bé… Nên các bậc phụ huynh cần theo dõi con sát sao để có thể chăm sóc và điều trị cho con một cách hợp lý nhất.

Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian khỏi bệnh nhiễm trùng đường ruột ở trẻ

Ngoài việc phải chú ý trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột nên ăn gì để con nhanh khỏi, ba mẹ cần để tâm đến các yếu tố sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình khỏi bệnh ở trẻ. Dưới đây là một số yếu tố phổ biến sẽ có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian khỏi nhiễm trùng đường ruột.

Độ tuổi

Thời gian nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em cũng bị ảnh hưởng một phần bởi độ tuổi. Các bé càng nhỏ thì thời gian kéo dài của bệnh càng lâu. Nguy cơ một đợt tiêu chảy cấp trở thành tiêu chảy kéo dài giảm dần theo tuổi, trẻ dưới 1 tuổi là 22%, từ 1-2 tuổi là 10%, từ 2-3 tuổi là 7%. Hầu hết các đợt nhiễm khuẩn đường ruột thường xảy ra trong hai năm đầu đời của các bé.

Chỉ số mắc bệnh cao nhất là ở nhóm trẻ từ 6-11 tháng tuổi. Đây là khoảng thời gian các bé đang tập ăn dặm, giảm bú sữa mẹ, do vậy đây cũng là khoảng thời gian được gọi là “khoảng trống miễn dịch” của bé. Sở dĩ gọi như vậy là do trong thời kì này bé giảm bú mẹ nên kháng thể IgG (hay còn gọi là miễn dịch thụ động) từ mẹ truyền sang bé giảm, vì vậy cơ thể bé trở nên nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh như: Vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng…

Do vậy, các bé dưới 1 tuổi sẽ dễ bị nhiễm bệnh và thời gian để khỏi bệnh sẽ lâu hơn so với trẻ ở lứa tuổi lớn hơn. Với các trẻ lớn, nhiễm trùng đường ruột thông thường sẽ khỏi sau khoảng từ 3-5 ngày, nhưng với trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh thì sẽ mất khoảng thời gian lâu hơn, thường là 1 tuần.

Dinh dưỡng

Một trong những yếu tố quan trọng giúp bé được phát triển toàn diện về cả thể chất và trí tuệ là dinh dưỡng. Vậy với những trẻ bị suy dinh dưỡng thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thời gian mắc nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ em? Với các bé bị suy dinh dưỡng thì tỷ lệ mắc tiêu chảy nhiễm khuẩn cao hơn nhiều lần so với trẻ bình thường. Theo một nghiên cứu được tiến hành ở Brazil đã cho thấy với các bé có chiều cao dưới 90%, cân nặng dưới 75% thì chỉ số mắc tiêu chảy kéo dài cao hơn gấp 2 lần so với các bé bình thường.

Với trẻ suy dinh dưỡng, thời gian mắc nhiễm khuẩn đường ruột sẽ kéo dài hơn so với trẻ bình thường do sự thiếu hụt về chất dinh dưỡng làm trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch mà hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ giúp bé ngăn cản các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài,vì vậy mà sức đề kháng của bé với yếu tố gây bệnh đó rất yếu ớt.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tình trạng nhiễm trùng tiêu hóa ở trẻ em kéo dài ít gặp hơn ở những bé được bú bằng sữa mẹ. Nguy cơ gặp tiêu chảy kéo dài tăng lên ở những bé được nuôi bằng sữa động vật hoặc sữa công nghiệp, điều này phản ánh khả năng không dung nạp đường lactose, mẫn cảm với protein sữa bò hoặc đậu nành.

Ăn sữa động vật đóng vai trò quan trọng từ 30-40% trong các đợt nhiễm khuẩn kéo dài. Nguyên nhân là do trong sữa mẹ hoặc sữa công thức bên ngoài có thành phần đường chủ yếu là Lactose. Lactose là nguồn cung cấp năng lượng cho bé, cho sự phát triển về trí tuệ và thể chất của bé, bên cạnh đó nó còn giúp phát triển hệ vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho bé. Men lactase ở màng ruột giúp bé có thể chuyển hóa đường lactose thành glucose.

Vì vậy, trong một số trường hợp (rất hiểm, tỉ lệ gặp là 1 trong số 1.000 trẻ) nếu thiếu men lactase bẩm sinh sẽ làm hệ vi khuẩn đường ruột của bé không phát triển được, hệ miễn dịch kém và làm cho hiện tượng nhiễm khuẩn đường ruột hay gặp hơn ở những bé này.

Ngoài ra, khi bé bị nhiễm khuẩn đường ruột, bé thường chán ăn, bỏ bữa và nhiều bậc phụ huynh có quan niệm rằng trẻ bị tiêu chảy thì nên cho bé ăn khẩu phần ăn đơn giản như cháo trắng cho bé dễ tiêu. Đây là quan niệm chưa đúng vì đây là thời gian bé cần bổ sung chất dinh dưỡng, cần sức khỏe tốt để chống lại các tác nhân gây bệnh trong cơ thể nên cần có chế độ ăn hợp lý, hạn chế ăn uống, ăn kiêng kéo dài để tránh tình trạng kéo dài thời gian nhiễm trùng đường ruột hơn.

Cách điều trị không hợp lý

Lạm dụng kháng sinh và thói quen sử dụng kháng sinh không đúng cách là tình trạng rất hay gặp tại Việt Nam hiện nay. Tương tự như trong trường hợp này, bé bị nhiễm khuẩn đường ruột dẫn tới tiêu chảy, biếng ăn, đôi khi sốt, quấy khóc làm các bậc cha mẹ phải lo lắng, vì vậy nhiều phụ huynh đã cho con sử dụng kháng sinh mong thuyên giảm các triệu chứng trên. Nhưng đây hoàn toàn là cách điều trị sai lầm, việc sử dụng kháng sinh không những không giúp bé khỏi bệnh mà còn làm cho tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn, gây tổn thương nghiêm trọng đến niêm mạc ruột, rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột của bé.

Ngoài kháng sinh, nhiều bậc phụ huynh còn sử dụng thuốc cầm ỉa chảy để hạn chế tình trạng tiêu chảy cho bé, điều này không những không giúp cho tình trạng bệnh của bé mà còn làm giảm khả năng đào thải vi khuẩn qua đường phân, làm cho tác nhân gây bệnh tồn tại lâu hơn trong cơ thể bé, kéo dài tình trạng nhiễm khuẩn hơn. Đặc biệt, với tình trạng tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh thì các bậc phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ để nhận được điều trị phù hợp.

 Một số lưu ý khi bé bị nhiễm khuẩn đường ruột

Chế độ ăn như thế nào là phù hợp cho bé bị nhiễm khuẩn đường ruột?

Chế độ điều trị dinh dưỡng thích hợp đóng vai trò quan trọng với đa số trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột. Hầu hết các bậc phụ huynh có thể tự chăm sóc bé tại nhà với chế độ ăn hợp lý dưới sự tư vấn của các bác sĩ, chỉ một số ít là cần điều trị tại bệnh viện nhiễm khuẩn kèm theo suy dinh dưỡng nặng, mất nước nặng. Dưới đây là một số chú ý về chế độ dinh dưỡng đối với tất cả các bệnh nhi nhiễm bệnh:

  • Giảm tạm thời số lượng sữa động vật hoặc đường lactose trong sữa, trong chế độ ăn.
  • Đảm bảo nhu cầu thức ăn cho trẻ trong giai đoạn hồi phục để tránh tình trạng suy dinh dưỡng sau nhiễm trùng đường ruột.
  • Tránh cho bé ăn các ,loại thức ăn, nước uống làm tăng thêm tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột như: thức ăn có nhiều chất xơ làm bé khó tiêu hóa (măng, ngô hạt, đỗ còn nguyên hạt…), hải sản (do hải sản có tính hàn, làm bé lạnh bụng, dễ khiến kéo dài tình trạng tiêu chảy hơn), đồ uống có ga, các loại thực phẩm chứa nhiều đường.
  • Cung cấp các thực phẩm giàu protein, vitamin, các yếu tố vi lượng cho trẻ để đẩy nhanh thời gian hồi phục các thương tổn niêm mạc.

Đối với các bé  dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ thì chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý?

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu bé có mất nước và điện giải thì cần bù ngay lập tức cho bé và cần nhập viện.

  • Với các bé đang bú sữa mẹ, nhất là với trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn đường ruột thì các mẹ cần chú ý không nên kiêng khem quá mức vì sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng duy nhất cho bé trong thời điểm này. Thậm chí các mẹ nên ăn các loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn để có nhiều sữa cho bé bú hơn và sữa chất lượng hơn để bé khỏe mạnh khi bị bệnh. Các mẹ không được cho bé ngừng bú trong thời điểm này, nên tăng số lần bú để bù nước và các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé, đồng thời làm tăng lượng kháng thể IgG từ mẹ truyền sang để bé có sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh.
  • Với các bé đang sử dụng sữa động vật thì sữa dành cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột là các loại sữa không có đường lactose, đường lactose đã lên men hoặc các sản phẩm không có sữa. Chú ý nên bù nước cho bé đầy đủ, tránh tình trạng mất nước nặng ở bé, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Còn đối với từ 6 tháng tuổi trở lên thì sao?

Thông thường, các bé từ 6 tháng tuổi trở lên các mẹ đã bắt đầu cho bé ăn dặm kết hợp giảm bú mẹ.

Với các bé không bú mẹ mà sử dụng sữa động vật thì các mẹ nên hòa loãng sữa động vật bằng một lượng nước cháo tương đương nhằm làm giảm 50% nồng độ đường có sẵn trong sữa hoặc các mẹ có thể cho bé ăn thêm sữa chua để cung cấp thêm hệ vi khuẩn đường ruột có lợi cho bé.

Đảm bảo chế độ ăn dặm của bé cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bé (110 Kcal/kg/ngày). Nên sử dụng các loại thực phẩm có độ dính nhớt thấp, hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa. Ngoài ra, các mẹ cần lưu ý cân đối lượng đạm, mỡ, đường trong mỗi của bé vì nếu lượng đường quá nhiều sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ruột, kéo nước vào trong lòng ruột, làm tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột càng tệ hơn. Một lưu ý nhỏ nữa là các mẹ cần sử dụng thực phẩm tươi, có sẵn theo mùa và phù hợp với tập quán ăn vốn có của bé.

Hiện nay, nhiều chế độ ăn đã được nghiên cứu thành công để phù hợp với các bé nhiễm trùng đường ruột như: Bột ngũ cốc thêm dầu, đậu hạt ninh nhừ, rau và thịt gà nghiền. Đảm bảo chế độ ăn của bé sao cho 50% nguồn năng lượng đến từ sữa hoặc sản phẩm sữa, 50% còn lại đến từ bữa ăn dặm.

Sau 5 ngày, nếu tình trạng tiêu chảy của bé đã cầm được thì các mẹ cần:

  • Tiếp tục áp dụng cách ăn trên 1 tuần nữa, sau đó cho bé ăn lại sữa động vật trong nhiều ngày và trở lại ăn sữa động vật bình thường theo lứa tuổi.
  • Bổ sung thêm cho bé 1 bữa mỗi ngày thêm 1 tháng để đảm bảo cân nặng và bồi bổ cho bé sau khi bé bị bệnh. Nếu bé bị suy dinh dưỡng thì các mẹ cố gắng cho bé ăn đến khi cân nặng và chiều cao của bé trở về đạt chuẩn với lứa tuổi của bé.

Nếu như sau 5 ngày này, tiêu chảy của bé vẫn chưa cầm được thì cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được điều trị bằng các chế độ ăn hợp lý.

 Khi nào cần đưa bé đi khám?

Một trong những triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn đường ruột là tiêu chảy, mất nước. Trên lâm sang, việc chẩn đoán mức độ mất nước của các bệnh nhi để tiến hành bù nước và điều trị là rất quan trọng. Tuy nhiên, để các bậc phụ huynh dễ dàng theo dõi tình hình bệnh để xem xét có nên đưa bé đi viện hay không thì dưới đây là một số thông tin cần thiết:

Trường hợp bé bị nhiễm khuẩn đường ruột mức độ nhẹ

Thường thì khi bé bị mất nước mức độ nhẹ, bé chưa có các biểu hiện mất nước rõ ràng trên lâm sàng nên phụ huynh có thể tự chăm bé ở nhà, thường sau 1-2 ngày là bé có thể tự dần hồi phục. Bổ sung nước và điện giải cho bé bằng nhiều cách như: tích cực cho bé bú mẹ, cho bé ăn các loại trái cây mọng nước, Kali (cam, chuối, nước dừa…)

Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng thắc mắc rằng trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột uống thuốc gì? Câu trả lời ở đây là không nên tùy tiện sử dụng thuốc cho các bé, chỉ được bù nước và điện giải cho bé bằng cách cho bé uống dung dịch oresol, nước cháo muối.

Trường hợp bé bị nhiễm trùng đường ruột mức độ nặng

Với các bé có triệu chứng trở nặng như: Tiêu chảy 5-6 lần/giờ/ngày, đi ngoài phân có lẫn nhầy và máu, sốt cao, trẻ vã mồ hôi, tay chân lạnh, bỏ bú, nôn mửa nhiều. Cha mẹ cần khẩn trương đưa bé đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được bác sĩ khám và bù điện giải cho bé kịp thời. Bên cạnh đó, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc cho nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh, tránh tình trạng sốc thuốc đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Trên đây là giải đáp thắc mắc gửi tới các bậc phụ huynh về thời gian khỏi bệnh nhiễm trùng đường ruột cũng như một vài thông tin về bệnh. Mong rằng bài đọc đã cung cấp được những thông tin cần thiết tới cho các bậc cha mẹ để biết cách chăm sóc cho các bé một cách hợp lý.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked