Làm sao biết bé bú đủ sữa mẹ? Giải pháp giúp trẻ bú nhiều sữa hơn

Trẻ sơ sinh chưa biết nói, do vậy giao tiếp với mẹ không thể bằng ngôn ngữ được. Vậy nên nhiều mẹ khi chăm con vẫn luôn thắc mắc làm sao để hiểu con nghĩ gì, làm thế nào biết con đã bú đủ sữa mẹ. Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc của các mẹ:

Thời gian trung bình để bé bú no

Tùy vào thể trạng của bé và khả năng tạo sữa của cơ thể mẹ mà thời gian bú 1 lần ở các bé khác nhau là khác nhau. Đối với những mẹ ít sữa, sẽ cần nhiều thời gian để con bú đủ no hơn với các mẹ bình thường. Tuy nhiên, trung bình con sẽ bú mẹ liên tục trong khoảng 20 – 30 phút là đủ no.

Làm sao biết bé bú đủ sữa mẹ?

Các dấu hiệu sau đây sẽ giúp mẹ nhận biết khi nào con đã no sữa:

  • Mỗi lần bú không dưới 10 phút

Do thời gian bú trung bình của trẻ từ 20 – 30 phút một lần. Nếu bú trong khoảng thời gian quá ngắn khiến con không đủ no, gây khó chịu, quấy khóc. Nguyên nhân có thể do con bị mệt mỏi hoặc do mẹ bị ít sữa, cho con bú không đúng cách.

  • Cữ bú của con cách đều nhau

Bình thường, trẻ sơ sinh sẽ bú khoảng 2-3 giờ một lần. Nếu con vừa bú mẹ xong mà rất nhanh sau đó đòi bú lại thì khả năng cao là con bú chưa đủ sữa. Một ngày, con sẽ bú khoảng 8 – 12 lần.

  • Con nhả ti xong vẫn vui vẻ, thoải mái

Đó là khi con đã no sữa mẹ, có năng lượng để cho những cuộc vui chơi sắp tới. Khi ấy, dạ dày bé không ở trạng thái rỗng, co bóp mạnh gây khó chịu

  • Giấc ngủ sâu, ngon, liền mạch

Con bú đủ sữa mẹ là cơ thể con đã được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Các dinh dưỡng này góp phần làm các giai đoạn chuyển hóa diễn ra nhịp nhàng. Đồng thời, nguồn năng lượng dồi dào cũng giúp cho bộ não không hoạt động quá công suất, được nghỉ ngơi hợp lý. Do đó, khi con bú no sữa mẹ giấc ngủ con sẽ không bị đứt quãng và con ngủ ngon hơn.

  • Con tăng cân

Chỉ khi có dinh dưỡng cần thiết, con mới phát triển khỏe mạnh, tăng cân nhanh chóng. Con bú đủ sữa thì mẹ sẽ thấy cân nặng, chiều cao của con tăng lên rõ rệt theo thời gian.

  • Lượng chất thải con thải ra ngoài

Dinh dưỡng vào trong cơ thể bé được hấp thụ triệt để và đào thải chất cặn ra ngoài. Khi con no sữa, lượng phân và nước tiểu thải ra ngoài hàng ngày sẽ đều đặn khoảng 4 – 6 lần. Phân con có màu vàng, lỏng, nước tiểu nhạt màu là được.

Dấu hiệu bé bú không đủ sữa

Khi con bú không đủ sữa, sẽ có các biểu hiện như là:

  • Con bú xong vẫn khó chịu, quậy phá hay quấy khóc

Khi đó, con chưa thỏa mãn được cơn thèm sữa. Có thể do mẹ không đủ sữa cho con bú no hoặc mẹ cho con bú không đúng cách. Như vậy sẽ khiến con cảm thấy còn đói, cùng với tư thế bú không đúng gây mỏi, con dễ cáu gắt, khó chịu.

  • Phân và nước tiểu màu đậm

Không đủ sữa mẹ gây thiếu chất, cơ thể con sẽ tăng cường tái hấp thu ở ruột già. Đó là nguyên do khiến phân và nước tiểu sẫm màu. Ngoài ra, con bú không đủ no cũng khiến tần suất đi ngoài giảm đi rõ rệt.

  • Con không tăng cân

Con không tăng cân trong thời gian ngắn thì là hiện tượng sinh lý rất bình thường của cơ thể. Nhưng nếu con sau vài tuần vẫn không tăng cân, chiều cao thì có thể khẳng định là do thiếu hụt dinh dưỡng. Sự thiếu hụt này có thể bị gây nên bởi những lần con bú chưa đủ sữa.

  • Bé ngủ hay giật mình, mơ màng

Không đủ sữa mẹ làm cho thần kinh phải hoạt động trong trại thái thiếu năng lượng, dễ mệt mỏi. Khi ấy, con ngủ không ngon giấc, hay gặp giấc mơ, giật mình bất chợt.

  • Con đòi bú mẹ liên tục

Một lần bú đủ no sẽ có năng lượng cho con trong thời gian khoảng 3-4 tiếng. Nếu con mới bú xong lại đòi bú tiếp thì chứng tỏ lần bú đó chưa đủ để lấp đầy dạ dày của con.

  • Bầu ngực mẹ vẫn căng tức sau khi con bú

Con không bú được nhiều sữa tức là lượng sữa trong ngực mẹ vẫn còn nhiều. Trong khi đó lực hút sữa do con tạo ra lại làm kích thích tạo sữa, do vậy sữa tràn về bầu ngực mẹ nhiều khiến căng tức bầu ngực.

  • Bé há miệng, mút đầu ngón tay

Việc mút đầu ngón tay giống như giả tưởng bé đang ngậm vú mẹ. Điều đó báo hiệu rằng con đang đói, chưa bú đủ sữa từ mẹ.

Làm sao để đủ sữa cho bé bú?

Con bú không đủ sữa do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng phải kể đến là do mẹ ít sữa hoặc thiếu sữa. Giải pháp tối ưu nhất là mẹ tìm cách tạo đủ sữa cho bé bú. Một số cách làm sau khá đơn giản mà hiệu quả:

  • Ăn các thực phẩm lợi sữa

Thực phẩm lợi sữa giúp kích sữa về dồi dào hơn, mẹ có đủ sữa cho một lần bú của con. Các thực phẩm lợi sữa gồm có: cà rốt, khoai lang, hải sản, thịt lợn, cá, rau củ có màu đậm, sữa, các loại hạt như đậu nành, óc chó,… Với các thực phẩm này, mẹ hãy lên danh sách thực đơn cho mình để vừa không bị ngán vừa đủ sữa cho con.

  • Ngủ đủ giấc, đủ ngon

Ngày ngủ tối đa 8 tiếng, tối thiểu 6 tiếng giúp cơ thể được nghỉ ngơi hợp lý nhất. Việc ngủ đúng và đủ giấc giúp não bộ được thoải mái, chi phối các hoạt động nhịp nhàng hơn, trong đó có tạo sữa.

  • Giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái

Stress làm ức chế thần kinh, nặng có thể làm cơ thể rơi vào trạng thái tuyệt vọng, gần như ngừng trệ các hoạt động chuyển hóa. Do vậy, mẹ cần phải giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, thoải mái thì mới dễ dàng tạo nhiều sữa cho con.

  • Cho con bú đúng cách

Bé bú đúng cách là một việc làm giúp tác động vào tuyến vú đúng cách. Như vậy sẽ giúp kích thích sản sinh ra prolactin để tạo sữa nhiều hơn.

  • Cho con bú đúng cữ

Làm trống bầu ngực đều đặn khiến vú luôn ở trạng thái trống, do vậy sữa về được nhiều hơn. Trung bình mẹ nên cho con bú từ 8-12 lần/ ngày để làm rỗng bầu ngực. Mẹ cũng có thể vắt sữa sau mỗi 2 – 3 tiếng nếu như con chưa có nhu cầu bú để làm rỗng bầu ngực. Làm như vậy vừa giúp tạo sữa vừa có sữa dự trữ cho con.

  • Kích sữa cho mẹ ít sữa

Có nhiều cách kích sữa khác nhau. Mỗi lần kích sữa sẽ giúp sữa được tạo ra và về bầu ngực nhiều hơn. Mẹ hãy lên cho mình một lịch kích sữa hợp lý để tạo được lượng sữa nhiều nhất có thể. Trung bình sẽ là 3 tiếng kích sữa 1 lần.

Bé bú căng bụng vẫn đòi bú phải làm sao?

Bé sẽ ngưng bú khi con đủ no. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà con dù đã bú căng bụng vẫn chưa nhả vú. Đó là khi con tiếp nhận quá nhu cầu dinh dưỡng cần thiết của cơ thể. Mặc dù lượng sữa vào trong dạ dày rất nhanh được hấp thu và đi xuống ruột non, xong nếu con bú quá lâu rất dễ bị nôn sữa. Vì vậy, mẹ không nên cho con bú quá 40 phút một lần. Khi thấy con vẫn còn hăng say bú dù đã bú được lâu, mẹ nên tìm cách dừng bé lại:

  • Luyện lại giờ ăn, ngủ cho con

Nhiều trường hợp, con ngậm ti mẹ như vật trấn an để ngủ ngon hơn. Do vậy mẹ nên tập cho con thói quen ngủ hợp lý, tách riêng thời gian ăn và ngủ. Như vậy con sẽ không bị lẫn lộn hai khoảng thời gian này, giảm tình trạng bú quá nhiều, kể cả lúc ngủ. Ngoài ra, mẹ cũng tránh cho con vừa nằm vừa bú, vì như vậy sẽ dễ khiến con đi vào giấc ngủ trong lúc bú mẹ.

  • Đánh lạc hướng của con

Hãy làm con mất tập trung vào việc ngậm ti mẹ bằng các tác động xung quanh như đồ chơi, âm thanh,… Việc làm này giúp con quên đi việc khăng khăng ngậm ti mẹ đòi bú, giúp con không bị quá no.

Bài viết trên đây tổng hợp một số dấu hiệu và giải pháp cho mẹ khi cho con bú sữa. Hy vọng qua đây các mẹ sẽ có được những kinh nghiệm cho mình để chăm con cho hợp lý.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked